Theo quy hoạch mới nhất, Hà Nội chuẩn bị cho xây mới 5 cây cầu lớn qua sông Hồng và sông Đuống, trong đó có 4 dự án dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao BT. Bốn cây cầu mới dự kiến được xây dựng theo hình thức BT bao gồm:
- Cầu Tứ Liên ( quận Tây Hồ) và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng.
- Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và quận Long Biên với tổng mức đầu tư là 7.000 tỷ đồng.
- Cầu Giang Biên thuộc huyện Gia Lâm và đường dẫn hai cầu với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng.
- Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thuộc quận Long Biên với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng.
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng bốn cây cầu này dự kiến là 32.500 tỷ đồng tương đương với 1,4 tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia, chủ trương xây thêm cầu của thủ đô Hà Nội sẽ góp phần tăng kết nối giao thông trung tâm Hà Nội với các vùng phụ cận, như vậy sẽ tác động đến thị trường bất động sản các vùng đó, đặc biệt là khu vực phía Đông Hà Nội. Khi cơ sở hạ tầng mới kết nối giữa hai bờ sông, quận Long Biên có ưu thế vị trí gần với trung tâm thành phố Hà Nội nên có khả năng trở thành khu dân cư mới, trung tâm bất động sản mới, hoàn toàn có cơ sở để Long Biên có những dự án có chất lượng tốt hơn, tiện ích tốt hơn.
Hiện tại, theo các chuyên gia của CBRE, hạ tầng khu vực phía Đông Hà Nội nói chung và Long Biên nói riêng về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại. Tuy nhiên, khi được đầu tư thêm các kết nối khác với trung tâm Hà Nội để thuận tiện và giảm tình trạng tăc đường chắc chắn giá trị các bất động sản tại Long Biên sẽ tăng giá.
Bên cạnh đó, các chuyên gia CBRE cũng thừa nhận rằng dù bất động sản phía Đông giàu tiềm năng nhưng không ai có thể dự báo được trong một khoảng thời gian cụ thể thì giá bất động sản khu vực này tăng thế nào. Nếu nhìn vào các thống kê trong quá khứ, khi thị trường ổn định, trong một năm, giá có thể tăng từ 3-5%, tốt hơn sẽ được cao hơn, còn không thể kỳ vọng tang 10-15% trong một năm thì rất khó. Do vậy, các chuyên gia cũng khuyên các nhà đầu tư có chủ trương đầu tư bất động sản khu vực này nên thận trọng.
Đánh giá chung thị trường bất động sản Hà Nội hiện tại, bà Nguyễn Hoài An – CBRE cho hay, theo khảo sát của CBRE, Hà Nội vẫn đang phát triển rất mạnh sang khu phía Tây ( Cầu Giấy, Từ Liêm), nhất là khi cầu Nhật Tân và đường Võ Chí Công hoàn thành, thị trường phát triển lan sang khu Tây Bắc. Còn phía Tây Nam vốn đã có trục giao thông kết nối trung tâm Hà Nội sang Hà Đông nên trong vòng mấy năm trở lại đây đã hình thành hàng loạt dự án phát triển khu vực quanh trục này.
So với các khu vực trên, nguồn cung bất động sản của khu vực phía Đông thành phố còn khá khiêm tốn, mặt bằng giá bất động sản nhà ở vẫn còn thấp so với khu vực phía tây. Chính vì vậy nếu hạ tầng mới được cải thiện tốt hơn, nguồn cung khu phía Đông có thể tang nhanh, đặc biệt là tâm lý người dân sẽ thay đổi khi mua nhà phải đi qua cầu. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu bất động sản phía Đông tăng lên.
Thêm vào đó, theo bà Nguyễn Bích Trang – Giám đốc CBRE Hà Nội, thị trường bất động sản phát triển hay không còn có yếu tố tác động rất lớn từ chính sách của chính phủ. Điển hình chúng ta có thể thấy đó là khi chính phủ có chủ trương chuyển nhiều cơ quan nhà nước, trường học ra ngoại thành và khu vực phía Tây thành phố, bất động sản phía Tây đã lên cơn sốt. Yếu tố tiếp theo ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của phân khúc thị trường không thể không kể đến cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích phục vụ cuộc sống. Do vậy, nếu hội tụ đủ ba yếu tố: chính sách, hạ tầng, tiện ích thì bất động sản khu vực phía Đông thành phố rất có tiềm năng phát triển và không thua kém khu vực phía Tây.