Tin tức

Đề xuất chi hơn 5.500 tỷ làm đường nối đại lộ Thăng Long cùng cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình được chấp thuận

Trong thời gian vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải về việc làm đường nối đại lộ Thăng Long với cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình và đã được cơ quan này chấp thuận.

Đại lộ Thăng Long là tuyến đường cao tốc hướng tâm phía Tây của Thủ đô và đã được đưa vào khai thác từ tháng 10/2020. Tuyến đường này dài khoảng 30 km, với 6 làn xe cao tốc và đường song hành hai bên.

Cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình là tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác từ tháng 10/2018, nằm trong tổng thể tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hòa Bình- Sơn La- Điện Biên. Tuyến đường cao tốc này dài 26 km, hiện có quy mô 2 làn xe, vận tốc tối đa đạt 80 km/giờ và tương lai sẽ được mở rộng thành 4 làn xe tiếp nối với cao tốc Hòa Bình – Sơn La.

Đại lộ Thăng Long và cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình là hai tuyến đường trọng điểm, với mục tiêu kết nối giao thông giữa khu vực Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình với thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận đồng thời góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, đẩy mạnh việc phát triển kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay đường nối từ đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình đã xuống cấp, mặt đường nhỏ, hẹp, trong khi mật độ giao thông qua đây ngày càng tăng cao. Đoạn đường này có điểm đầu là nút giao cao tốc đại lộ Thăng Long với quốc lộ 21, điểm cuối tại Km6+700 cao tốc Hà Nội – Hòa Bình, có tổng chiều dài là 6,7 km, mặt đường bê tông nhựa và hiện chỉ rộng 12m.

Nhằm giúp thông suốt tuyến cao tốc từ đại lộ Thăng Long đi Hòa Bình theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng đoạn đường nối đại lộ Thăng Long với cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình. Mức kinh phí dự kiến là khoảng 5.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 2.000 tỷ đồng, còn phần còn lại sẽ được đảm bảo từ ngân sách của thành phố Hà Nội. Dự án sẽ bao gồm đường song hành 2 bên với 2 làn xe cơ giới mỗi bên, đường cao tốc đô thị với quy mô 6 làn xe cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, tổ chức giao thông, … đồng bộ, hiện đại, đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Dự kiến đến năm 2026 dự án sẽ được hoàn thành.

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản chấp thuận với đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về chủ trương xây dựng tuyến đường này.
Sau khi được hoàn thành dự án hứa hẹn sẽ góp phần giúp thông suốt giao thông giữa thủ đô Hà Nội với tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút nhà đầu tư đến với các địa phương này.

Rate this post

Bình luận