Trong kinh doanh, việc sai lầm rồi rút kinh nghiệm sẽ còn tốt hơn là không làm gì cả. Với quan điểm này, John Willard Marriott đã không ngừng nỗ lực, từng bước vươn lên để trở thành “cha đẻ” của tập đoàn sở hữu chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới.
Mới đây, với việc bỏ ra 12,2 tỉ USD, tập đoàn Marriott International đã chính thức thâu tóm Starwood – tập đoàn khách sạn sở hữu những thương hiệu đình đám như Sheraton, Ritz Carlton hay Autograph Collection, Le Méridien, chính thức đưa Marriott trở thành chuỗi khách sạn – resort lớn nhất thế giới,
Sau khi hợp nhất, Marriott sẽ sở hữu thêm 5.500 khách sạn cùng 1,1 triệu phòng trên toàn thế giới, giúp “ông lớn” trong lĩnh vực khách sạn mở rộng sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Những quyết định mang tính bước ngoặt
Lịch sử hình thành tập đoàn JW Marriott
John Willard Marriott sinh ngày 17/9/1900 trong một gia đình nghèo tại Utah. Ông đã phải lao động từ khi lên 8 tuổi.
Năm 1927, John Willard Marriott cùng vợ chuyển từ Utah đền Washington DC và mở một cửa hàng nhỏ bán đồ uống không cồn, đây là bước đệm khởi đầu cho kinh doanh ngành du lịch ẩm thực của ông.
Từ năm 1929 đến 1932, nước Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái nặng nề. Trong khi các công ty cắt giảm nhân viên thì Marriott lại gây bất ngờ khi quyết định mở rộng quy mô, lập ra một chuỗi nhà hàng tên là Hot Shoppes và đã thành công với quyết định dũng cảm mà không kém phần liều lĩnh của mình.
Thừa thắng xông lên, John Willard Marriott đã nghiên cứu những phương hướng kinh doanh mới mẻ hơn. Cho tới năm 1932, ông có trong tay chuỗi 7 cửa hàng phục vụ đồ ăn và nước giải khát với những thực đơn hoàn toàn đặc biệt.
Vào năm 1937, nhận thấy nhu cầu ăn uống của các hành khách đi trên các hãng hàng không mới mở, ông đã chộp lấy cơ hội khi nhanh tay mở một công ty chuyên cung cấp thức ăn trên các chuyến bay.
Tiếp theo đó là các hợp đồng với chính phủ về các quán ăn mở trong quân đội và sau đó là hợp động cung cấp thức ăn cho các nhà máy, bao gồm General Motors và Ford đã giúp Marriott phát triển nhanh chóng.
Một bước ngoặt quan trọng đến vào năm 1957, khi khách sạn Marriott đầu tiên được mở ra. Lúc đó, Bill Marriott – con trai John Willard Marriott bắt đầu tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Đây cũng chính là người nhìn thấy tiềm năng trong ngành kinh doanh khách sạn.Với những quyết định táo bạo của mình, cha con nhà Marriott đã gặt hái được hết thành công này đến thành công khác.
1980 là năm đánh dấu bước ngoặt tiếp theo, công ty nhận ra rằng con đường phía trước sẽ thu hẹp lại nếu chỉ an phận dừng lại ở phân khúc khách sạn dành cho khách thượng lưu cùng dịch vụ trọn gói. Từ đó, John Marriott bắt đầu nghiên cứu ý tưởng xây dựng các mô hình phòng cho thuê khác bao gồm nhiều mức giá cho mọi tầng lớp xã hội.
Ban đầu, ý tưởng gây “sốc” này vấp phải sự phản đối của nhiều người khi thương hiệu Marriott từ trước tới giờ vẫn gắn với sự đẳng cấp, sang trọng nhưng cuối cùng, bằng những lý lẽ hết sức thuyết phục, công ty bắt đầu xây dựng các khách sạn giá trung bình và rẻ nhưng quy trình quản lý chất lượng vẫn hết sức chặt chẽ. Thực tế sau này cho thấy quyết định này hoàn toàn sáng suốt khi mà thị trường này trở thành nguồn sinh lợi của công ty, góp phần thúc đẩy Marriott bước vào thời kỳ thịnh vượng.
Chìa khóa dẫn tới thành công của Marriott
Không phải ngẫu nhiên mà John Marriott liên tục gặp nhiều vận may đến thế. Để làm nên chuỗi cửa hàng và khách sạn hàng đầu thế giới như ngày hôm nay, Marriott luôn kiên định với những quan niệm mà ông cho rằng đó là yếu tố sống còn của sự phát triển.
“Nếu bạn đối xử với nhân viên tử tế, họ sẽ vui vẻ phục vụ khách một cách chu đáo. Nếu nhân viên cảm thấy không hài lòng hay căng thẳng, chính khách hàng sẽ là người cảm nhận hậu quả”, John Marriott luôn tâm niệm. Nói là làm, các chương trình phúc lợi chia sẻ lợi nhuận được Marriott áp dụng ngay từ đầu những năm 1960. Mọi góp ý, thắc mắc của nhân viên đều được lắng nghe và tôn trọng.
Ngay cả khi đã có được một chuỗi cửa hàng và khách sạn hàng đầu nước Mỹ, John Willard Marriott vẫn thường xuyên tới thăm những khu vực kinh doanh, thăm hỏi các nhân viên, tham khảo sự hài lòng của khách hàng. “Nếu như công việc đang tiến triển tốt, đừng ngại ngần đưa ra lời khen cho các nhân viên. Hoặc nếu công việc có những khó khăn, giải thích và đưa ra lời động viên để họ có thể làm tốt hơn là điều mà tôi sẽ làm”, Marriott từng chia sẻ.
Chính những điều này đã đưa Marriott có tên trong danh sách 50 công ty tốt nhất để làm việc do tạp chí Fortune bình chọn.