Tại tọa đàm tăng cường thu hút khách Nhật Bản của Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp chuyên đón khách Nhật cho biết du khách xứ sở mặt trời mọc ngày càng yêu mến Việt Nam, đặc biệt là đảo ngọc Phú Quốc.
Thiếu nguồn nhân lực phục vụ khách Nhật
Theo các nghiên cứu, thống kê thì số lượng hướng dẫn viên tiếng Nhật hay số nhân viên phục vụ tại các điểm dịch vụ có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật (hoặc tiếng Anh) còn rất thiếu. Những điểm đến ưa thích của khách Nhật là Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Bình, đồng bằng sông Cửu Long. Và xét đến chất lượng dịch vụ tại những địa điểm này cũng không đồng đều.
Những năm gần đây, tỉ lệ du khách Nhật Bản đến Việt Nam đều tăng lên, khoảng 6 – 10%. Ước tính với tốc độ này, chúng ta sẽ đón khoảng 1 triệu khách Nhật đến năm 2020. Điều đáng nói là theo số liệu đến hết năm 2018 có đến 19 triệu lượt khách Nhật đi du lịch ở nước ngoài. Điều này có nghĩa số lượng du khách Nhật đến Việt Nam vẫn là con số rất khiêm tốn.
Ngoài nguyên nhân liên quan đến dịch vụ, các vấn đề vệ sinh, thiếu các sản phẩm mới lôi cuốn thì việc marketing cũng rất đáng nói. Đội ngũ marketing famtrip, presstrip mà chưa áp dụng được e-marketing vào việc này. Chúng ta còn đang khá thụ động với cách tiếp cận thị trường quan trọng thứ 3 của du lịch Việt Nam ở Đông Bắc Á, mà vốn dĩ Nhật Bản lại rất phát triển về công nghệ, truyền thông.
Hiểu du khách Nhật muốn gì
Muốn thu hút được khách Nhật đến Việt Nam thì phải hiểu truyền thống và đặc điểm của con người đất nước này. Người Nhật yêu cầu rất cao đối với chất lượng dịch vụ và thái độ đón tiếp. Bởi thế, các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, vận chuyển phải tăng cường đào tạo nhân viên, bồi dưỡng nhân lực thì mới đủ đáp ứng. Đặc biệt, cần lưu ý với những doanh nghiệp nhỏ đang muốn tiếp cận thị trường Nhật. Đảm bảo được tính chuyên nghiệp chính là đảm bảo cho bộ mặt của du lịch Việt Nam.
Một yếu tố khác cũng phải nhắc đến là yếu tố thời gian. Người Nhật rất coi trọng thì giờ nhưng chỉ riêng việc lấy hành lí kí gửi ở sân bay có khi cũng mất đến hơn 2 tiếng. Điều này gây phiền hà, mệt mỏi, đôi khi là khó chịu với du khách. Cùng với đó, muốn cải thiện con số 1 – 2% khách Nhật quay lại Việt Nam thì chúng ta cũng phải nghiên cứu, cung cấp những tuyến mới, điểm mới, dịch vụ mới thay vì mãi giới thiệu những nơi đã cũ.
Với việc tiếp cận, thu hút khách du lịch Nhật Bản bằng e – marketing, ông Vũ Nam – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường cho rằng đây là điều cần thiết. Theo đó, xúc tiến quảng bá qua các trang mạng xã hội bằng tiếng Nhật, thực hiện các chiến dịch quảng bá trực tuyến…Ông cũng nhấn mạnh đến phân khúc khách cao tuổi, có khả năng chi trả cao, phân khúc khách nữ và phân khúc khác về du lịch học đường.
Phú Quốc gần đây thực sự trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của khách Nhật. Không thể phủ nhận vẻ đẹp của đảo Ngọc, cùng với những công trình hạng sang đã và đang được đầu tư càng làm tăng thêm sự lôi cuốn. Thậm chí, nổi tiếng như Hawaii giờ đây cũng không thu hút khách Nhật bằng Phú Quốc. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng là việc bảo vệ môi trường nơi đây còn quá yếu, trong khi chúng ta đều rõ người Nhật yêu môi trường và có ý thức bảo vệ nó ra sao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó tổng cục trưởng TCDL cũng ghi nhận và khẳng định sẽ có ý kiến với Sở du lịch Kiên Giang và lãnh đạo huyện Phú Quốc về vấn đề trên. Đồng thời bà cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự phối hợp của các doanh nghiệp, hãng hàng không, Hội đồng tư vấn du lịch để giúp TCDL có thêm đề xuất, từ đó xây dựng những kế hoạch dài hạn cho thị trường du lịch Nhật Bản đang là tiềm năng này.